Chọn ngành nào, trường gì khi đi du học Úc vẫn luôn là 1 thắc mắc rất lớn của các bậc phụ huynh và các em học sinh. Để giải đáp được thắc mắc này, phụ huynh và các em có thể tham khảo những tiêu chí sau để có được định hướng cụ thể cho mình.
Xét về tổng quan, thứ quan trọng nhất là ngành học chứ không phải trường học (rất nhiều phụ huynh gặp vấn đề chỉ chăm chăm vào chọn trường mà không quan tâm tới ngành học). Trường học là thứ chỉ gắn bó với con trong từ 2-5 năm ở Úc, còn ngành học sẽ gắn bó cả đời và tác động rất nhiều tới sự nghiệp sau này của con. Ở Úc có rất nhiều trường tốt nên chỉ cần không chọn phải mấy trường tệ quá thì bằng cấp trường nào cũng đều rất giá trị.
Nội dung bài viết
Toggle1. Chọn ngành học phù hợp với mục tiêu bản thân:
Với mình, đây là yếu tố đáng được cân nhắc và coi trọng nhất. Trong hầu hết mọi trường hợp, ngành học sẽ theo bạn cả đời và sẽ quyết định bạn là ai, làm trong lĩnh vực gì của 10-20 năm về sau. Việc chọn ngành nên phụ thuộc vào những tiêu chí sau:
a. Sở thích/sở trường, điều kiện của học sinh:
Nên chọn theo ngành học yêu thích, đúng sở trường thì bạn sẽ có động lực và khả năng để theo học, nếu không sẽ rất đuối, khó theo kịp gây ra chán nản, bỏ cuộc giữa chừng. Cũng nên cân nhắc điều kiện của bản thân: không thể ngồi lâu trước máy tính thì đừng chọn IT, thân hình có phần nhỏ con, thể trạng yếu ớt thì đừng học thể dục thể thao, …
b. Mục tiêu du học và định hướng gia đình:
Muốn sau này làm “anh hùng bàn phím (IT)” thì bây giờ không nên học Y tá, muốn sau này làm “doanh nhân nối nghiệp gia đình” thì bây giờ không nên học Mầm non. Muốn định cư thì nên lưu ý các ngành ưu tiên định cư như: CNTT, Y tế, mầm non, bếp, nhà hàngh – khách sạn, kĩ sư, …
c. Tiềm năng của ngành học:
Một số ngành có cơ hội thực tập và làm việc thực tế trong thời gian học, giúp bạn tích luỹ kinh nghiệm làm việc. Một số ngành học có giá trị quốc tế và có thể giúp bạn làm việc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Đặc biệt, nên nghiên cứu và tìm hiểu về tình hình thị trường lao động tại Úc, một số ngành có nhiều cơ hội việc làm hơn và mức lương cao hơn so với những ngành khác.
2. Chọn trường sao cho đúng:
Như đã nói ở trên, với quan điểm cá nhân của mình, trước khi chọn trường, hãy chọn vùng học. Môi trường học tập ảnh hưởng rất nhiều tới sự tiếp nhận kiến thức và sự phát triển của học sinh. Hãy liên tưởng tới Việt Nam, dù học đại học ở các vùng tỉnh lẻ, các bạn học sinh sau khi tốt nghiệp đều mong muốn có cơ hội được làm việc tại các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng vì môi trường năng động, phát triển và cơ hội công việc cao. Tương tự ở Úc cũng vậy, các em có thể chọn học ở các vùng xa để tiết kiệm chi phí nhưng đều mong muốn có thể đến Sydney và Melbourne làm việc vì 2 yếu tố như trên.
Vậy nên, nếu được, thì việc chọn học ở thành phố sẽ luôn là 1 điểm cộng đáng cân nhắc. Tất nhiên, nếu chọn được vùng học có cơ hội việc làm cao mà chi phí rẻ thì còn gì bằng. Tiếp theo, chọn vùng cũng cần cân nhắc tới “tiềm năng của vùng”. Hình dung đơn giản: học kinh tế thì chọn vùng phát triển kinh tế, học du lịch thì chọn TP biển, đừng ngược lại vì có thể các em sẽ phải chuyển vùng sau khi tốt nghiệp đó nha.
Tiếp đến, chọn trường sẽ phụ thuộc vào định hướng và điều kiện kinh tế gia đình. Lưu ý không nên vì tiết kiệm chi phí mà chọn trường tệ quá (mặc dù rất ít), có thể lên trực tiếp website của trường để xem học phí và xem review về trường trên các diễn đàn.
Chọn trường thì nhớ để ý “thế mạnh của trường”: Học ngành khách sạn nhà hàng thì chọn trường hot mảng hospitality; học Y tá, điều dưỡng thì chọn các trường chuyên mảng Y tế; học công nghệ thông tin thì chọn các trường nổi bật mảng IT (thường có chữ “tech” ở trong tên trường). Search trên mạng sẽ ra thông tin các trường, còn không thì để MD Việt Nam tư vấn cho nha.
3. Một số lưu ý khi tìm trường:
– Không nên quá chú tâm về vấn đề việc làm:
Ngày nay, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nên đã làm nhiều bạn thí sinh đặt ra câu hỏi không biết học trường nào dễ có việc làm? Thật ra đây cũng là nỗi lo lắng của nhiều sinh viên lẫn phụ huynh. Thế nhưng đừng vì các hình thức quảng bá “ra trường có việc làm ngay” mà ngay lập tức chọn trường đó ngay nhé, điều đó không phải là xấu nhưng trước hết ta cần phải phân tích nhiều khía cạnh rồi hãy đưa ra lựa chọn. Có việc làm hay không còn phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm của bạn chứ không phải trường học mới là yếu tố quyết định.
– Không nên quá chú tâm vào các điều kiện ưu đãi:
Trong một số ngành “hot” nhất định, các trường Đại học thường xuyên có những điều kiện khuyến khích như suất học bổng cao, khóa học giảm giá,…tuy nhiên đôi khi những ngành như vậy lại không nằm trong thế mạnh của bạn nên hãy cân nhắc kỹ nhé.
– Không nên chủ quan trong việc tìm hiểu thông tin:
Chúng ta nên tránh trường hợp thiếu hiểu biết hoặc chỉ tìm hiểu những thông tin qua loa về một trường nào đó rồi chọn “đại”, vấn đề nãy sẽ rất nguy hiểm nếu bạn hiểu sai về trường hoặc không thể thích nghi được với môi trường đại học mới.
– Nên có lập trường riêng:
Có nhiều bạn sinh viên chỉ vì nghe theo lời nói từ một phía như gia đình, bạn bè mà chọn trường, tuy nhiên có nhiều bạn trẻ vì lí do không có chủ kiến mà buộc phải chuyển trường, chuyển ngành vì sự lựa chọn khi nghe theo phía người khác thường không phù hợp.